Trong giờ học văn, có một học sinh hỏi cô giáo, đề nghị cô phân tích cấu trúc câu và giải thích cho em hiểu rõ một câu thơ em đọc trong Truyện Kiều: “Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh”.
Đây là một vấn đề liên quan tới đọc hiểu. Đọc hiểu là một kỹ năng hiểu được ngữ nghĩa văn bản. Nhưng muốn hiểu được ngữ nghĩa văn bản thì phải hiểu được ngữ nghĩa từng câu và chuỗi câu (trong mối liên kết của nó). Tách phát ngôn (hoặc câu) ra khỏi ngữ cảnh, ta sẽ khó mà lĩnh hội và “thẩm thấu” ngữ nghĩa đích thực của nó.
“Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh” là câu thơ thứ 1.324 của Truyện Kiều. Có 3 từ cần phải xác định để hiểu trong câu thơ này: Đoạn trường, lúc ấy, buồn tênh.
Từ thứ nhất “đoạn trường” (đoạn tràng) là một từ Hán Việt (断 đoạn: đứt, 腸 trường/tràng: ruột). Nghĩa đen là “đứt ruột”. “Đoạn trường” bắt đầu từ một điển cố. Theo sách Sưu thần ký thì có một người bắt được một con khỉ con đem làm thịt. Khỉ mẹ trên cây trông thấy vậy nhảy nhót khóc lóc rất thảm thiết rồi từ trên cây rớt xuống chết. Khi người ta mổ bụng khỉ mẹ ra thì thấy toàn bộ ruột (khỉ mẹ) đều đứt ra từng đoạn (Bửu Kế Vĩnh Cao, “Tầm nguyên từ điển”, NXB Thuận Hóa, 2002).
Còn theo Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (Lê Huy Tiêu dịch, NXB Khoa học xã hội, 1993) thì vào đời Tấn (266 – 420), có một vị quan tên là Hoàn Ôn. Một lần Hoàn Ôn dẫn quân đi chinh phạt, hành binh ngược dòng sông Tam Hiệp. Dọc đường, quân sĩ bắt được một chú khỉ con đang lang thang ở vách núi và bỏ vào thuyền đùa giỡn. Khỉ mẹ thấy con bị bắt, liền men theo bờ sông và cứ thế khóc gào, rất thảm thiết. Tuy mệt và sức yếu, khỉ mẹ vẫn cố đuổi theo thuyền của quân sĩ đến hơn 100 dặm (dặm: đơn vị đo độ dài cũ = 444,44m) và ráng hết sức bình sinh nhảy được lên thuyền. Nhưng khỉ mẹ cũng chỉ cố gắng được đến thế. Nó gắng gượng nhìn đứa con thân yêu lần cuối rồi lăn ra chết. Quân sĩ của Hoàn Ôn rút gươm mổ bụng khỉ mẹ và kinh ngạc thấy tất cả ruột của khỉ mẹ đều bị đứt ra từng đoạn.
Người đời sau dùng từ “đoạn trường” để chỉ nỗi đau thương quá mức bình thường, khó tả xiết. Từ điển tích ấy mà từ này có nghĩa bóng chỉ “nỗi xót xa, đau đớn như đứt từng khúc ruột”.
Rồi sau đó, “đoạn trường” tham gia vào một số cấu tạo từ khác (với tư cách tính từ): Sổ đoạn trường (cuốn sổ của đấng thần linh ghi tên những người sẽ bị gian nan, chìm nổi); kiếp đoạn trường (cuộc đời, số phận gian truân); nợ đoạn trường (nỗi khổ ải được ghim vào số phận ai đó, như một món nợ vậy)…
Còn từ “lúc ấy” chỉ một tình huống giao tiếp. “Lúc” là “khoảng thời gian không xác định”. “Ấy” là một đại từ chỉ xuất, hàm ý chỉ “cái đã được kể, đã được nhắc tới”. Trong câu thơ này, “lúc ấy” chính là đoạn đối đáp giữa Kiều và Thúc Sinh về thân phận của nàng. Thúc Sinh làm thơ ứng tác “một thiên luật Đường” tặng Kiều. Kiều cảm động trước tấm thịnh tình ấy nhưng không đáp lễ “nối điêu” được vì còn buồn nhiều lẽ “Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang”. Thế rồi “Nàng càng ủ dột nét hoa/ Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh”. “Đoạn trường” ở đây là “phận đoạn trường”, “thân phận đoạn trường”, nói khác đi là “thân phận nàng Kiều”, thể hiện cuộc đời chìm nổi của nàng.
Đến từ “buồn tênh” thì đúng là nàng Kiều đã có một nỗi buồn không kể xiết. “Tênh” là một phụ từ, kết hợp hạn chế, chỉ cái gì đó “đến mức như cảm thấy hoàn toàn trống không, trống rỗng”. “Nhẹ tênh” tức là nhẹ lắm. Còn “buồn tênh” là trạng thái buồn hết mức. Câu thơ trong Truyện Kiều thể hiện nỗi buồn khó tả của nàng Kiều, buồn sâu thăm thẳm.
Như vậy, để hiểu ý và nghĩa chỉ một câu thơ thôi, ta phải “hồi cố” để tìm cho ra các căn cứ từ nguyên và xuất xứ ngữ cảnh. Câu bát này chỉ có 8 âm tiết, 8 từ. Vậy mà vào kết hợp, nó mang một sức nặng ngữ nghĩa thật đáng gờm.
Buồn tênh mang một nỗi đau
Đoạn trường câu chuyện đượm màu gian truân