Thông điệp của nước chủ nhà EURO 2024 gửi tới các vị khách láng giềng châu Âu là “đoàn kết nhờ bóng đá”. Giải đấu chỉ còn ít ngày nữa sẽ kết thúc, nhưng châu Âu đã xích lại gần nhau thật hay chưa?

Philipp Lahm có vẻ đã bị cuốn vào mớ bòng bong của chính mình. Nhà vô địch World Cup 2014 và là giám đốc điều hành giải nói rằng châu Âu đã đoàn kết hơn trong những tuần lễ hội bóng đá. Nhưng có thực sự là thế?

Một số lượng lớn người Thổ Nhĩ Kỳ đều coi lệnh cấm đối với Merih Demirus sau màn “chào sói” là có động cơ chính trị. Bóng đá vẫn mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc, dù EURO cố gắng hết sức để tạo cho nó cảm giác cởi mở hơn. Đây là một dư vị đắng đằng sau những bữa tiệc bàn thắng và cảm xúc.

Vô số pha ẩu đả giữa các cổ động viên đến từ vùng Balkan cũng không hẳn thể hiện được sự “gắn kết” mà Lahm đang nói tới. Người Croatia chống lại người Serbia, người Serbia chống lại người Albania, người Albania chống lại người Macedonia…

Đội tuyển Đức đã chơi chắc chắn, nhưng nếu nhìn vào các số liệu thống kê một cách chặt chẽ, thì việc bị loại sít sao và cay đắng ở tứ kết là màn trình diễn tệ nhất trong lịch sử của họ tại một giải đấu trên sân nhà.

Những khoảnh khắc như bàn gỡ hòa 1-1 của Florian Wirtz trước Tây Ban Nha hay khởi đầu thành công trước Scotland đã gây ra một sự phấn khích ngắn ngủi trong các dặm đường của người hâm mộ, trong các quán bia và tại các bữa tiệc sân vườn trên khắp đất nước mà đội tuyển quốc gia chưa từng thấy trong suốt một thời gian dài. Rất dài.

Xem EURO từ nước Đức: Đá xong xuôi tất cả lại về - Ảnh 1.

Nhưng liệu EURO 2024 có còn được nhớ đến sau 20 hay 30 năm nữa hay không? Khó! Không có khoảnh khắc nào trong vài tuần qua có thể sánh được với pha gian lận của Jens Lehmann năm 2006 hay trận thắng huyền thoại 7-1 trước người Brazil năm 2014 – cả hai đều là một phần ký ức (bóng đá) của tập thể người Đức.

Và cả thời tiết cũng dở hơi. Cảm giác như mọi trận đấu đều có mưa.

Từ góc nhìn của những người yêu bóng đá, những người bật tivi để xem thường xuyên hơn hai năm một lần, thì giải đấu cũng chẳng có gì hấp dẫn. Pháp, Anh và các nhà đương kim vô địch châu Âu Ý thi đấu chậm chạp hoặc gây thất vọng toàn diện. Có thể vì các giải đấu liên đoàn, cúp và siêu cúp tương ứng ở các quốc gia có trên 50 đến 60 trận đấu mỗi năm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng? Cầu thủ sợ chấn thương khi lên tuyển vì về CLB họ sẽ phải ngồi dự bị lâu. Màu cờ sắc áo không còn được ca ngợi như xưa.

Tuy nhiên, giải đấu cũng có những bất ngờ tích cực. Người hâm mộ vẫn được nhìn thấy những “chú ngựa ô”. Georgia đã chơi thứ bóng đá sảng khoái với tinh thần cởi mở. Người Slovakia với ngôi sao của Hertha một thời Peter Pekarik suýt nữa thì loại được người Anh để lọt vào tứ kết. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với đội tuyển Slovenia, chỉ bị loại trên chấm phạt đền khi chạm trán Bồ Đào Nha. Người Áo cũng gây chấn động trong bảng tử thần của mình. Cơn lốc màu da cam mang lại nhiều phức cảm đẹp đẽ. Các cổ động viên Scotland cũng tạo ra sự cuồng nhiệt trong thời gian ngắn xuất hiện.

Tuy nhiên, việc nước chủ nhà bị loại khá sớm đã khiến không khí trở nên bớt sôi động hơn. Người Đức chẳng buồn xuất hiện ở những nơi công cộng để tụ tập nữa. Các vị khách khác cũng đã ra về sớm, chỉ còn lại người Anh và Tây Ban Nha.

Suy cho cùng, cuộc vui tàn thì đá xong xuôi tất cả lại về.

Yến Nhi

Nguồn: Link

Chủ đề:
Thẻ: