Lưu lạc mang nội hàm rời quê, xa quê đi phiêu bạt nhưng không có nghĩa là lạc mất đường về. Khái niệm “đi” và “về”, “ly hương” và “hồi hương” đối lập nhau nhưng đó là một cặp phạm trù. Bởi thế, trong tập thơ Gốm lưu lạc (NXB Hội Nhà văn

1. Ngày ly hương, người đi phải giấu trong tim giọt lệ thầm thì suốt dặm dài biền biệt xa quê, giọt lệ kia đã hóa thành dòng:

Dòng sông ly hương

róc rách trong tôi, thầm thĩ trong tôi, ghì đôi chân tôi bên bờ huyền mộng

sông rồi sông chẳng phố thị ồn ào

sông rồi sông nghe mẹ hát ca dao

sông rồi sông – nước mắt – rỏ vào mây viễn xứ

và cơn mưa nơi ngõ cũ ngọt ngào.

(Sông ly hương)

Tiếng vọng quê nhà - Ảnh 1.

“Dòng sông” được nói đến trong bài thơ Sông ly hương là dòng sông Hương, một dòng sông có thực nhưng đó cũng là một tín hiệu nghệ thuật biểu trưng cho quê hương. “Hơn ba mươi năm”, hơn một phần tư đời người sống phiêu bạt, sông luôn “róc rách”, “thầm thĩ” rồi “ghì đôi chân” kẻ tha hương. Rồi buồn đau, khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ… trong lê thê năm dài tháng rộng bên trời viễn xứ.

Tất cả đó, Vân Phi đã để cho  hình ảnh “sông rồi sông – nước mắt – rỏ vào mây viễn xứ” nói hộ. Nỗi lòng của kẻ tha hương được đong bằng “sông-nước-mắt” thì quả là bi thương.

Làm sao dòng nước mắt kia thôi tuôn? Không có cách nào khác hơn là phải trở về: “Con hồi hương tìm miền đất mẹ”, “Trên mỗi bước chân con về làng cũ/ từng dòng người hồi hương/ từng chiếc bóng rịn rát những con đường/ đâu niềm nghi ngại?/ đâu đợi đâu mong?” (Trên từng bước chân mê). Không còn “nghi ngại” gì nữa mà chỉ còn đây “đợi mong”. Đợi mong hồi hương để chữa lành vết thương xa xứ.

2. Hồi hương để về với Gò Sành, “một vùng gốm cổ” ở An Nhơn (Bình Định), nơi chôn nhau cắt rốn của nhân vật “tôi”.

 Về để “đi quanh chợ Gò buổi sớm/ tìm chút duyên vừa nhóm/ chút lộc đầu năm/ hạt muối chùm cau lá trầu gió chớm/ hong thơm một nụ Giêng hồng” (Đi chợ Gò nhớ phù sa biển). Một nét đẹp văn hoá riêng biệt Chợ Gò ở Tuy Phước (Bình Định) hiện về trong hoài niệm người thơ. Một phiên chợ có một không hai của nước ta chỉ nhóm vào ngày Mồng Một Tết sao có thể quên. Đến Chợ Gò đâu chỉ “tìm chút duyên vừa nhóm/ chút lộc đầu năm” mà còn để nhớ “phù sa biển”, nhớ về muối Diêm Vân. Nên, từ trong nỗi nhớ lại bật lên tiếng kêu khắc khoải “Giờ còn đâu đồng xưa/ tiếng rao “ai muối không” rạc miền ký ức/ đi chợ Gò nhớ phù sa biển/ bấy nhiêu gian bày biện/ muối nào là muối Diêm Vân”.

Quê nhà đâu chỉ có muối mặn, trầu cay, còn có cả tiếng chuông chùa, câu kinh, tiếng kệ vọng về từ cổ tự. Cổ tự nơi quê nhà tác giả chính là ngôi chùa Thập Tháp, một trung tâm Phật giáo của Bình Định, hiện diện đến hơn “ba trăm năm cuộc người”.

– Tiếng chuông cổ tự

ba trăm năm cuộc người

phía nào nghe thời gian rong rêu tường đỏ

– Chiều nào tiếng chuông cổ tự

vọng vào tháp cổ

người đếm một, hai đôi bước chân mình

đàn ông già ngả lưng trên ghế đá

chiếc xe kẹo kéo tụng niệm bóng chiều phía những câu kinh.

(Giấc cổ tự)      

Tiếng vọng quê nhà - Ảnh 2.

Hình ảnh chùa Thập Tháp, một biểu tượng tâm linh hiện lên qua cái nhìn chiêm bái, kính ngưỡng của tác giả. Đặc biệt, “tiếng chuông cổ tự” được nói đến nhiều lần. Bởi, đây là tiếng chuông thức tỉnh, tiếng chuông gọi về nguồn cội đã vọng mãi “Trên từng bước chân mê” gọi người đi quay bước trở về.

P-rah Jớ, tên một con suối ở một miền quê nghèo nằm “Phía sau ngọn đồi, nơi ngọn cỏ ủ giấc mơ làng” cũng có sức vẫy gọi hồi hương: “P-rah Jớ, nơi dòng nước mải mê cọ rửa những luống mây trời/ những khối đá xanh rêu vẫn nằm yên vị/ tạc những dáng ngồi/ tạc những ký tự biên niên” (P- rah Jớ biên niên). Bởi đó là “những ký tự biên niên” nên “mạch nguồn đã nghìn năm/ lưu dấu kẻ khai hoang” lưu “tiếng người làng vọng vào rừng thăm thẳm” để không bao giờ quên sự sống được khởi nguồn từ P-rah Jớ.

Về để Nghe núi hồ kể chuyện:

– Người nằm đấy bên lòng hồ Núi Một

nghe xác thân đã hoá thu vàng

– nửa thế kỷ, một cái cúi đầu

rưng rưng trước tấm bia chứng tích                         

Người nằm “bên lòng hồ Núi Một” là người lính cách mạng năm xưa. Đã “nửa thế kỷ” trôi qua, dù xác thân anh đã “hóa thu vàng” nhưng “tấm bia chứng tích” vẫn còn đấy. Giờ đây, có “bàn chân tìm vết cũ” chỉ thấy lòng “rưng rưng”. Nỗi xót đau vẫn còn đấy nhưng người hôm nay chỉ biết nói với người nằm xuống hôm qua bằng “một cái cúi đầu” kính ngưỡng, hàm ơn. Đấy, quê hương ta chở nặng nghĩa tình luôn vẫy gọi người về.

3. Rời nơi sinh, bước chân thi sĩ đặt lên mọi miền đất nước. Ngắm nhìn dải giang sơn gấm vóc mà thấu cảm công ơn tạo dựng của ông cha. Này đây dòng Cửu Long “Chín thế kỷ đi qua, Cửu Long đầy vơi con nước”, “À ơi, buổi gió khai hoang/ à ơi, mùa thu bén ngọn/ lửa nung nênh trên sóng nước rùng rình/ ngàn năm vết tích hùng yêng/ ngàn năm người sống đời nước sông gạo chợ” (Ly ca).

Cái “ngàn năm” của Cửu Long giang sao mà có sức nặng làm ta suy tư nhiều đến thế.

Không gian tập thơ cứ dần rộng mở. Từ cái làng Gò Sành, ngòi bút Vân Phi cứ dắt ta đi qua khắp sông hồ, núi suối, biển khơi… của quê hương yêu dấu. Từng cái tên của quê nhà cứ dần hiện lên vừa gần gũi, thân thương lại vừa đẹp đẽ, thiêng liêng. Tất cả như được bao bọc trong tấm tình yêu quê thắm thiết, nồng nàn, sâu đậm và đầy kiêu hãnh, tự hào của nhà thơ.

36 bài thơ trong Gốm lưu lạc gợi liên tưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng nổi bật là những suy tư, hoài niêm về ký ức. Không phải ngẫu nhiên mà từ “ký ức” hiện diện rất nhiều trong tập thơ. “Ai đốt lửa phía bên kia bãi soi/ Những vụn rơm giòn vào xao xác/ ngún trong tôi ký ức” (Đường về), “Nén trầm len chặt ký ức/ con ơi, xa mãi không về/ Cha ngồi nhen thêm chút lửa” (Trên căn nhà ở lưng chừng dốc), “Ký ức nào lậm vào khuya/ Chảy mòn bóng vách (…) Gió nào là gió ăn trăng/ gió vạt lõm một bên chiếc bóng/ gió rót đầy ký ức vào đêm rát bỏng (Gió ăn trăng), “Giờ còn đâu đồng xưa/ tiếng rao “ai muối không” rạc miền ký ức (Đi chợ Gò nhớ phù sa biển)…

Phải chăng Vân Phi muốn qua “ký ức” cất lên lời nhắc nhở: sống, con người đừng quên quá khứ nghĩa tình. Hãy soi mình vào quá khứ để sống tốt hơn cho hiện tại và tương lai. Bởi, đó là những ký ức về quê hương, dân tộc mình phải oằn mình trong bão giông, khói lửa, lấy máu và nước mắt để viết nên trang sử dựng nước và giữ nước.

Những ký ức này được khơi dậy như lời lý giải cái lý do ta phải tìm về quê hương. Về với quê hương tức là tìm về nguồn cội, đó là lối sống hợp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Luận về đạo lý này, Đỗ Trung Quân có câu thơ để đời: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Vân Phi không biểu đạt trực tiếp như Đỗ Trung Quân mà anh đã để cho nhiều bài thơ trong tập thơ này cất lên tiếng nói khẳng định yếu tố “lớn nổi thành người”.

Nhiều bài thơ trong Gốm lưu lạc đậm màu suy tưởng, triết lý làm cho thông điệp bài thơ thêm sâu sắc. Có đượm buồn nhưng đó là nỗi buồn đẹp. Có khắc khoải ưu tư nhưng đó là những khắc khoải, ưu tư đáng trân trọng. Giọng thơ trầm lắng nhưng bao trùm Gốm lưu lạc vẫn là âm hưởng tự hào về quê hương. Đó là tiếng lòng thi sĩ phả vào con chữ, là nhịp tim người thơ phả vào nhịp thơ. Tất cả đã làm nên tiếng vọng quê nhà đầy xúc động. Tiếng vọng nhỏ nhẹ thôi nhưng lại có sức âm ba, động vọng tâm tư con người mà nhất là với người lưu lạc.

Nhà thơ Vân Phi tên thật Nguyễn Văn Phi, sinh năm 1990, quê ở Bình Định. Hiện anh đang làm việc tại tạp chí Văn nghệ Bình Định. Trước Gốm lưu lạc, anh từng in tập thơ Ngày mắc cạn (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2020).

Anh có nhiều giải thưởng Văn học, như: Giải B Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu tỉnh Bình Định lần thứ VI (2016 – 2020); Giải C, Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Tặng thưởng năm 2023, mảng Thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải Khuyến khích Cuộc thi Thơ Huế 2023 do tạp chí Sông Hương tổ chức…