Đó là một lễ hội khổng lồ của màu cam, kéo dài từ trưa cho đến chiều của trận bán kết, mà những ai ở đó hoặc trên đường đến đó không muốn mình là người vắng mặt.
Nhưng ban đầu, tôi không hình dung được quy mô kinh khủng của nó, dù đã từng xem hình ảnh một biển màu da cam tràn ngập các đường phố Hamburg hay Berlin khi cổ động viên Hà Lan đổ về đó cho các trận đấu của họ. Dấu hiệu đầu tiên của lễ hội là khi tàu cao tốc của tôi dừng ở một ga trước Dortmund, thế rồi các fan của Hà Lan và Anh bắt đầu lên để đến nơi diễn ra trận đấu. Không có ghế, đương nhiên rồi, họ làm gì có vé để đi những chiếc tàu như này, nên rất biết ý, họ không dám ùa vào toa mà chỉ đứng ở đầu toa và khe khẽ hát, không dám làm ồn ào vì sợ bị đuổi xuống. Thế rồi, khi tàu gần đến Dortmund và rồi chầm chậm vào ga, lúc người trưởng tàu, một phụ nữ, cất giọng thông báo rất dễ thương rằng, “chào mừng các bạn đến với Dortmund, hôm nay là thủ đô của bóng đá”, đám cổ động viên ấy mới bắt đầu dám hát to lên chút nữa.
Và rồi khi tôi và họ vừa xuống ga Dortmund, đập vào mắt là một biển màu da cam và đập vào tai là những tiếng hát. Họ đấy, những người Hà Lan. Họ đã biến Dortmund thành một thành phố nào đó của chính nước họ, với những lá cờ màu da cam, những chiếc áo và quần da cam, cả khói pháo cũng màu da cam và âm nhạc đậm chất Hà Lan. Một ban nhạc karaoke Hà Lan đã “chiếm cứ” một quán bia ở Dortmund và rồi bật nhạc to hết cỡ để tất cả cùng nhảy. Có lẽ phải có tới một 1 nghìn cổ động viên Hà Lan ở đó. Thoát khỏi tiếng nhạc tức ngực đó, đi bộ thêm khoảng 1km nữa, vào hẳn trung tâm thành phố, là một quảng trường đông nghẹt màu da cam nữa, đến mức, vào lúc 2 giờ chiều, cảnh sát Đức ngăn không cho hàng nghìn người nữa tìm cách đổ về đây, do trong quảng trường đã đầy ắp những người trong một biển da cam.
Friedenplatz, tên của quảng trường, trở thành một sân khấu khổng lồ của những người yêu đội tuyển Hà Lan, với tiếng nhạc còn tức thở hơn nữa và không khí tràn ngập mùi bia, mùi của cần sa mà họ hút, có cả mùi khai từ những bãi nước tiểu thải vào tường của những nhóm cổ động viên uống quá nhiều bia không thể tham gia đứng xếp hàng trong một hàng rất dài trước 2 container nhà vệ sinh công cộng. Dortmund, cách biên giới Hà Lan chưa đầy 100km, đã trở thành một điểm tụ hội của gần 100 nghìn người Hà Lan sang đây bằng đủ mọi phương tiện và biến trận bán kết với Anh chỉ là một cái cớ để có mặt trong một ngày vui vẻ như thế này. Tắc đường kéo dài 13km trên đường A12 từ The Hague đến biên giới. Chẳng ai muốn mình không được tham gia. Mà đúng là vui vẻ thật. Hơn 2/3 trong số những người có mặt ở Dortmund không có vé vào xem trận đấu, nhưng họ đến đây vì muốn được vui, trong một mùa Hè đầy sôi động.
Tôi đã theo chân họ trong nhiều hành trình của nhiều giải đấu, đã từng uống bia với họ ở Bern tại EURO 2008, từng được 2 cổ động viên Hà Lan dìu hai bên rồi nhảy chân sáo với nhau tại Kharkiv ở EURO 2012, đã từng say một lần với họ ở World Cup 2014, đã đi với họ trên những toa tàu ở EURO này, nên quá biết họ vui tính và gần gũi thế nào. Buổi trưa Dortmund, có cổ động viên áo cam còn kéo tôi vào một điệu nhảy quen thuộc của họ, điệu “Links Rechts” nổi tiếng, dịch ra là “Trái, phải” của nghệ sĩ Snollebollekes. Trong vũ điệu đã trở nên bất hủ với các fan bóng đá ấy, họ bám vai nhau và cùng nhảy sang trái rồi cùng nhảy sang phải. Thật khó có thể cưỡng cảm giác không yêu mến họ được. Họ khác xa với nhiều nhóm cổ động viên Anh cư xử một cách thô tục và lỗ mãng ở Đức.
Thế là hai lực lượng cổ động viên đáng yêu nhất, cư xử tốt nhất và đem đến nhiều màu sắc và cảm xúc cho EURO nhất là Scotland và Hà Lan đã về nhà. Giờ chỉ còn cổ động viên Tây Ban Nha là dễ thương…
Nguồn: Link