Trong khi phim ảnh ngày càng được ưa chuộng và biên kịch đang trở thành một ngành nghề “hot” của giới trẻ thì nhiều người lại nảy sinh lo lắng về tương lai của công việc này. Vì thực tế hiện nay, so với các vị trí khác trong đoàn phim thì nhuận bút của biên kịch không cao.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương về vấn đề này.
Phim là một phần văn hóa của Việt Nam
* Chị nhìn nhận như thế nào về bức tranh ngành biên kịch ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại?
– So với 10 năm trước, nghề biên kịch ngày nay khắt khe hơn nhiều. Vì phim, đặc biệt là dòng phim truyền hình hiện đang bị chia rẽ bởi các ứng dụng xem miễn phí như YouTube… Bên cạnh đó, sự ra đời của mạng xã hội cũng đã làm cho các đài truyền hình giảm đi thu nhập từ quảng cáo. Trong khi quảng cáo vốn là nguồn lợi nhuận lớn nhất của đài truyền hình và là nguồn sống duy nhất của phim.
Thời gian trước, khi mạng xã hội vẫn chưa phát triển rầm rộ, thì dù cho có đến 30 hoặc 40 quảng cáo trong một tập phim, khán giả họ vẫn kiên nhẫn chờ để xem. Còn bây giờ, chỉ cần thấy quảng cáo là người ta liền bấm lướt qua. Phim truyền hình hiện tại chỉ cần kiếm đâu đó tầm 10 cái quảng cáo, đã rất khó rồi.
Khán giả xem phim cũng trở nên khó tính hơn, thưởng thức thông minh hơn. Mạng lưới thông tin phát triển nên người xem ngày nay dễ dàng tiếp cận hơn với nhiều phim hay của thế giới. Do đó mà khi lang thang trên khắp các trang mạng, ta hay bắt gặp những lời bình luận đau lòng như “phim Việt Nam ấy mà, chưa coi đã biết tập cuối”, “phim Việt Nam có gì để mà coi!”… Là một biên kịch, khi đọc những dòng này tôi rất đau lòng.
Chúng ta là người Việt Nam, mà phim là một phần văn hóa của Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là giải trí, phim còn góp phần trong việc quảng bá văn hóa nước nhà đến với công chúng. Nhiệm vụ của phim là giúp cho khán giả Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, hiểu thêm về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Vậy mà chúng ta lại nhận về những lời bình như thế, điều này rất đáng suy nghĩ.
* Chị suy nghĩ như thế nào về vị thế của biên kịch hiện nay tại Việt Nam?
– Hơn 10 năm trước, nói tới vị trí của các nhà biên kịch là nói tới nỗi đau đớn không được tôn trọng. Với tôi, điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do sự vô tâm của các nhà sản xuất. Thứ 2, có phần nào ích kỷ của một số đạo diễn khi ẵm hết công lao về phần mình mà không hiểu, hoặc có hiểu nhưng lơ đi… đứa con này là từ đâu đẻ ra?
Còn bây giờ những biên kịch chân chính đã được trân trọng hơn rất nhiều. Như việc biên kịch được mời đến tham gia những buổi họp mặt, họp báo của phim. Thậm chí, các giải thưởng đã có hạng mục dành riêng cho biên kịch. Đây là một bước tiến và cũng là sự an ủi đối với người làm nghề.
* Có thể nói phim truyền hình thì kịch bản hay chiếm hơn 50 – 60% thành công. Vậy trong điện ảnh, tỷ lệ này là bao nhiêu?
– Ai bước chân vào con đường làm phim đều sẽ biết đến câu nói nổi tiếng của đạo diễn – nhà biên kịch Alfred Hitchcock: “Ba yếu tố quan trọng nhất của một bộ phim: Kịch bản, kịch bản và kịch bản”. Điều này nhằm khẳng định tầm quan trọng của kịch bản và vai trò của nhà biên kịch trong tác phẩm phim là rất lớn, lĩnh vực phim truyền hình hoặc điện ảnh không có gì khác nhau.
Trước khi đến tay đạo diễn, thì kịch bản là đứa con được thai nghén bởi người mẹ là biên kịch. Đầu tiên bằng những giọt chất xám, sau đó nuôi dưỡng kịch bản bằng trái tim. Rồi họ đổ nó ra trên bàn phím bằng những đêm trăn trở, bằng những giọt nước mắt, mồ hôi. Những cay đắng, nhọc nhằn, ngọt bùi, hạnh phúc… tất cả đều xuất phát từ nhà biên kịch.
Chúng ta cũng không phủ nhận những cố gắng của đạo diễn để làm cho kịch bản trở nên tốt hơn. Vì sau khi tiếp nhận kịch bản, đạo diễn có thể khuếch trương nó thêm, giúp cho kịch bản ấy với các nhân vật trở nên rõ nét hơn, đầy đặn hơn, hoàn chỉnh hơn.
Trách nhiệm với bản thân và xã hội
* Trong nghề này, có trường hợp nào nhà biên kịch nổi lên từ 1, 2 bộ phim rồi sau đó biến mất khỏi thị trường phim ảnh không?
– Có nhiều. Những trường hợp này thường xảy ra ở các biên kịch non tay. Có những biên kịch khi mới vào nghề, hừng hực khí thế, bắt trend (xu hướng) rất giỏi, nhưng khi làm được 1, 2 phim, đến bộ thứ 3, họ dễ bị rơi vào tình trạng bế tắc hoặc lẩn quẩn, lặp lại ý của tác phẩm trước. Đối với những người làm nghề chuyên nghiệp, sẽ ít đi vào ngõ cụt này. Có thể nói, chính điều này dẫn đến sự chênh lệch về giá trị và giá tiền của biên kịch hiện nay.
Làm phim cũng có cái khó là chúng ta phải thỏa mãn thị hiếu khán giả. Thế nên, nhiều khi biên kịch cũng bị động khi chiều theo thị hiếu của công chúng. Người xem phim ngoài giới trẻ còn có cả tầng lớp của những người làm cha mẹ, ông bà… Do đó mà người làm nghề biên kịch dứt khoát phải có vốn sống phong phú, có nền tảng kiến thức đa dạng.
Theo tôi thấy lớp trẻ hiện nay có một số đang làm nghề rất tốt, nhưng số còn lại thì chọn đi theo thị hiếu rẻ tiền. Với những trường hợp như thế, các em sẽ không thể làm nên việc lớn.
Một lời khuyên dành cho những biên kịch mới vào nghề: Dù bạn là người có tài, sở hữu năng khiếu viết kịch bản, nhưng nếu không chịu học hỏi thêm, không tự trau dồi, không phát huy được trách nhiệm với bản thân và xã hội thì sẽ khó làm ra được một bộ phim hay, được đón nhận đúng tầm cỡ.
* Trong thời gian gần đây, tần suất phủ sóng của các kịch bản remake (viết lại) có dấu hiệu giảm đi. Thay vào đó, ngày càng có nhiều kịch bản gốc ra đời. Đây có phải tín hiệu tích cực cho tình hình phim ảnh Việt Nam?
– Khi ít nhìn thấy những phim làm lại (remake) trên thị trường, có nghĩa là lực lượng biên kịch của chúng ta đã lớn và có đủ niềm tin để cho nhà sản xuất đầu tư “chọn mặt gửi vàng”. Rõ ràng đây là một tín hiệu thật sự đáng vui mừng, không chỉ riêng tôi, mà tất cả các nhà biên kịch đều rất hoan nghênh.
* Vậy theo chị, chúng ta cần làm những gì để có thể nâng cao chất lượng kịch bản trong thời gian tới?
– Đầu tiên, nhà sản xuất cần quan tâm đến đời sống biên kịch. Vì nếu kịch bản của biên kịch được mua với giá quá rẻ, họ sẽ không còn hứng thú đầu tư nhiều công sức vào đó nữa. Viết kịch bản bấy giờ không còn là đam mê, mà chỉ là đối phó cho xong. Cái gì đối phó cũng hời hợt, không có hồn, không có chiều sâu. Mà đã không có hồn, không có chiều sâu thì lấy đâu ra tâm huyết để có một kịch bản hay?
Thứ 2, đừng nên can thiệp sớm quá và sâu quá vào công việc của biên kịch, vì phim còn qua mấy bước trước khi công chiếu.
Muốn nghề biên kịch phát triển một cách chất lượng, muốn thế hệ sau yêu nghề thì sự đào tạo phải đến nơi đến chốn và càng phải thực tế, tránh hão huyền, bay trên mây. Dù khắt khe là vậy, nhưng đào tạo biên kịch cũng chỉ là nền tảng. Điều này tương tự với việc cho các bạn nhìn thấy mảnh vườn của nghề biên kịch, chứ chưa cho hạt giống. Hạt giống là mỗi người phải tự có trong trái tim mình, phù sa cho hạt giống nảy mầm là tâm huyết, hoa trái của nó có thơm ngọt hay không chính là kết quả của lối tư duy đúng đắn hoặc lệch lạc đối với nghề mà mình đang hướng tới.
Nghề biên kịch gian truân vô cùng, nhưng người làm biên kịch đang làm công việc của thượng đế, đó là sáng tạo, cần phải biết trân quý.
* Cảm ơn chị.
Được đánh giá là một trong những ngòi bút đa tài của màn ảnh Việt Nam hiện nay, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương ghi dấu ấn với khán giả qua nhiều kịch bản phim truyền hình ăn khách như Mật mã hoa hồng vàng, Pha lê không dễ vỡ, Mùa sen cạn, Con gái bố già, Tình là dây oan… Chị là hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM.