Một năm, Việt Nam ra rạp vài chục bộ phim, nhưng lại rất ít tác phẩm có thể cân bằng được hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Làm tốt điều này thời gian gần đây có Ròm (2020) của đạo diễn Trần Thanh Huy, khi bộ phim về đích với con số 63,9 tỷ đồng. Một cái tên khác là Đêm tối rực rỡ (2021) của đạo diễn Aaron Toronto. Phim thu về 21,4 tỷ đồng cùng loạt thành tích ấn tượng cả trong và ngoài nước, nổi bật với hai giải Kịch bản xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Santa Fe 2022.
Thiếu nguồn đào tạo bài bản
Điện ảnh Việt cần nhiều hơn những bộ phim như thế khi vừa đảm bảo về nội dung, vừa ổn định tình hình doanh thu phòng vé. Để thực hiện hóa điều đó, trước hết ta phải có được kịch bản hay và trách nhiệm này thuộc về giới biên kịch.
Tuy nhiên, khi quan sát mặt bằng chung của biên kịch nước ta hiện nay, có thể thấy các biên kịch Việt đang rơi vào tình cảnh thừa lượng nhưng thiếu chất.
Trước tình hình trên, biên kịch Hạnh Ngộ, người chắp bút kịch bản Bóng đè (2022) cho biết: “Đa số mọi người đều cho rằng biên kịch ngày nay thiếu và yếu, nhưng thực tế thì nguồn đào tạo lại không có nhiều. Thị trường phim ảnh đang phát triển mạnh nhất ở miền Nam. Tuy nhiên, nơi đây lại không có các trường đào tạo chuyên về biên kịch. Chỉ có những khóa học biên kịch ngắn hạn, hoặc là có bộ môn biên kịch trong khoa khác”.
Về cơ sở đào tạo chính quy, tại Hà Nội trước nay chỉ có Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội mở lớp đào tạo về ngành biên kịch điện ảnh – truyền hình. Mới đây, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng bắt đầu tuyển sinh ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, đến năm 2019, Khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mới mở thêm chuyên ngành biên kịch.
Tại một số cơ sở hoạt động độc lập chuyên về phim ảnh, các khóa đào tạo biên kịch ngắn hạn vẫn luôn được tổ chức hằng năm. Dù vậy, để tìm ra những biên kịch giỏi trong số này thì đây vẫn còn là một bài toán nan giải. Bởi đầu ra tuy có, nhưng chất lượng thực tế lại chưa được như mong đợi.
Biên kịch Nhung Khìn, tác giả của Chị chị em em 2 (2023), lý giải nguyên nhân của điều này là do: “Các chương trình đào tạo trong nhà trường vẫn đang còn nhiều thiếu sót và chưa bắt kịp được guồng quay sản xuất thực tế, chưa cập nhật được những diễn biến ngoài thị trường về công việc làm phim”.
Bên cạnh đó, dù là một trong những thành phần chủ chốt cho sự thành bại của một bộ phim, nhưng biên kịch đến nay vẫn chưa có được vị trí xứng đáng. So với các vị trí khác trong đoàn phim thì vai trò của biên kịch vẫn còn bị xem nhẹ. Minh chứng là thường xuyên vắng bóng những hạng mục vinh danh biên kịch tại các lễ trao giải ở Việt Nam. Đối với công chúng, hình ảnh biên kịch vẫn còn khá mờ nhạt.
Ở vài nước, biên kịch thậm chí còn có quyền đề xuất việc lựa chọn đạo diễn và diễn viên cho dự án của mình. Trong khi điều này lại rất ít thấy ở nước ta.
Yếu, nhưng cạnh tranh khốc liệt
Trung bình một năm tại Việt Nam, tổng phim điện ảnh nội địa ra rạp chỉ ở mức vài chục bộ. Trong khi đó, số lượng kịch bản “chào hàng” lại cao hơn gấp nhiều lần. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đối với những biên kịch trẻ mà nói, sẽ có ít cơ hội hơn để họ tỏa sáng.
Trong thời gian chờ đợi kịch bản của mình được mua thì biên kịch cũng cần có nguồn kinh phí để duy trì đời sống. Đây cũng là lý do khiến biên kịch dần trở thành nghề tay trái. Một số trường hợp tiếp tục theo đuổi nghề, họ chọn viết kịch bản theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, biên kịch lúc này lại bị bó buộc bởi những yếu tố như thời gian, yêu cầu của nhà sản xuất, kinh phí làm phim… Và khi sự sáng tạo bị đặt vào khuôn khổ, điều này đã vô tình bào mòn đi niềm đam mê sáng tác của người biên kịch, vì họ không thể kể câu chuyện mà mình muốn.
Đối diện với những bất cập kể trên, một câu hỏi được đặt ra rằng liệu biên kịch có phải là một nghề để sống? Theo chuyên viên truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước thì “so với mặt bằng chung của các ngành nghề liên quan đến công việc viết lách thì mức thù lao của một nhà biên kịch được xem là khá cao. Thế nên, với tôi, biên kịch vẫn là một nghề sống được”.
Biên kịch Nhung Khìn cũng khẳng định: “Nếu làm nghề tử tế và có tài năng thì chúng ta hoàn toàn sống được bằng nghề biên kịch”.
Nhưng để có được mức lương như ý và vị trí xứng đáng thì chỉ có tài thôi là chưa đủ, mà còn cần quan hệ nghề nghiệp và may mắn nữa. Bên cạnh những kiến thức được tích lũy từ trường lớp thì người làm nghề biên kịch cũng cần phải tự trau dồi kỹ năng cho chính mình. Bằng cách xem nhiều, coi đi coi lại những phim mà mình yêu thích, thậm chí là thuộc cả kịch bản của bộ phim. Và biên kịch cũng cần nên xem thêm những phim dở. Sau đó, nghiền ngẫm để biết đâu là chỗ chưa tốt, chưa hay mà rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, học từ phim của mình cũng là một cách để biên kịch tự nâng cao trình độ. Bấy giờ, khi soi chiếu kịch bản mình viết với sản phẩm thực tế, ta tìm ra được những điểm thay đổi và học tập theo nếu điều đó giúp bộ phim trở nên hay hơn. Đọc nhiều sách, đây là một sự bồi bổ rất lớn.
Một điều khiến cho biên kịch đặc biệt hơn nhiều nghề khác chính là người viết phải hóa thân vào nhiều dạng nhân vật, tham gia nhiều công việc khác nhau. Không thể viết một kịch bản về bác sĩ nếu nhà biên kịch chưa hiểu rõ về lĩnh vực này. Do đó mà khi có cơ hội, biên kịch vẫn nên thử sức làm nhiều việc, nhiều nghề. Vì ít nhất biên kịch cũng cần phải đảm bảo cuộc sống của mình trước lúc kịch bản ấy được chạm tay nhà sản xuất.
“Không chỉ riêng biên kịch mà ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng thế, chúng ta cần phải theo đuổi một cách kiên trì và bền bỉ. Nếu chỉ dựa vào may mắn hay vì một lý do nào đó mà không thể tiếp tục thì việc bị loại trừ là tất yếu. Ngay cả khi biên kịch ấy là người đã có tên tuổi thì điều này vẫn không ngoại lệ. Vì vốn dĩ, sự đào thải của nghề biên kịch nói riêng cũng như lĩnh vực làm phim nói chung là vô cùng khốc liệt” – anh Châu Quang Phước chia sẻ.
Về phía các nhà sản xuất, họ cũng cần phải dành sự đầu tư nhất định cho các biên kịch. Tại Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế trong quy trình sản xuất phim ảnh, nên không nhất thiết ta phải chạy theo con số mơ ước như những quốc gia khác. Nhưng ít nhất, số tiền đó cần đủ để biên kịch có thể sống được. Chứ tình trạng nhiều biên kịch chỉ viết 2 – 3 phim rồi bỏ nghề, vì sống không nổi, là còn khá phổ biến, điều này thật đáng buồn.
Ra sức ươm mầm các tài năng trẻ, nuôi dưỡng biên kịch ngay từ thời gian đầu chính là điều cấp thiết ngay lúc này. Đây được xem là nguồn động lực quý giá để biên kịch có thể tập trung cho ra đời những tác phẩm chất lượng.
Trong năm 2024, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM đã hợp tác với VietScript Lab tổ chức chương trình Vườn ươm kịch bản. Nhận thấy biên kịch chính là yếu tố chủ chốt trong việc đưa điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp, việc mở ra sân chơi dành riêng cho biên kịch với mong muốn thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển tài năng. Từ đó cho thấy, nghề biên kịch đang ngày càng được chú ý và quan tâm.
(Còn tiếp)