Trong một thập niên qua, áo ngũ thân đã trở lại và có sức lan tỏa rộng trong công chúng. Nhưng, không dừng lại ở việc quảng bá, nhiều người yêu văn hóa truyền thống còn mong muốn tà áo này tiếp tục được phát huy nét đẹp của mình qua những thiết kế mới.
Đây cũng là nội dung chính yếu trong cuốn sách Áo dài truyền thống – Hành trình trở lại (NXB Thế giới) của Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt, nơi tập hợp 52 bài viết từ 47 tác giả. Sách dày hơn 450 trang, gồm hai phần chính là Đi tìm giá trị áo dài năm thân và Trở về với truyền thống ông cha.
Cả thế kỷ thăng trầm
“Áo dài truyền thống, hoặc áo dài ngũ thân từng viết nên một trang sử đầy huy hoàng. Khi mà đây từng là trang phục phổ biến cho cả nam và nữ giới trên toàn cõi Việt Nam. Trải qua những biến động lịch sử trong thế kỷ 20, hình ảnh chiếc áo ấy dần chìm vào quên lãng. Có chăng, còn lại cũng chỉ là những biến thể cách tân của nó được thể hiện bởi những liền anh quan họ hoặc trên một số loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống khác” – theo nhà văn Lê Xuân Khoa. “Cũng có khi xuất hiện qua các tác phẩm điện ảnh, sân khấu hiện đại có tính chất lịch sử”, TS Trần Đoàn Lâm nói thêm. Ông Lâm xót xa: “Vậy mà, trong không ít tác phẩm, tà áo ấy được các nhà thiết kế cải tiến theo ý tưởng sáng tạo của mình, mà vô tình lại thành bóp méo. Một số phim như Đến hẹn lại lên (1974), Chị Dậu (1980) rồi Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)… may ra còn lưu giữ được dáng vẻ chiếc áo dài truyền thống”.
Một tín hiệu tích cực là trong những năm gần đây, áo dài ngũ thân truyền thống đang trở lại và lan tỏa rộng rãi đời sống đương thời. Điều này nhờ vào làn sóng chấn hưng văn hóa dân tộc ngày một dâng cao. Cùng với đó là nhu cầu cấp thiết tìm ra bộ lễ phục của nam và nữ để sánh vai với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Và không thể quên nhắc tới tính thẩm mỹ và sự tiện lợi so với những loại trang phục cổ khác. Vì lẽ đó, khi tham vấn tiêu đề phụ cho cuốn sách, nhà văn Lê Xuân Khoa đã đề xuất cái tên Hành trình trở lại.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Đoàn Lâm nhận thấy, hành trình trở lại của loại trang phục này đâu đơn giản là hiện diện phổ biến sau một thời gian dài thưa vắng. Mà hơn thế nữa, hành trình ấy còn là quá trình tái nhận thức trong cộng đồng về những giá trị truyền thống, đặc biệt gắn với văn hóa trang phục.
Cho nên cái tên Hành trình trở lại cũng gợi cho mỗi thành viên thâm niên của CLB Đình làng Việt như TS Trần Đoàn Lâm hoặc nhà văn Lê Xuân Khoa hoài niệm về quá trình phục dựng lại tà áo của cha ông không ít băn khoăn, thử thách. Chưa vội bàn tới sự thiếu thốn về tư liệu, ban đầu, mỗi thành viên cũng rất đắn đo khi phục dựng lại áo dài. Không biết rằng, sau khi phục dựng thành công có khiến cho công chúng hiểu lầm tà áo này gắn với… “tàn dư phong kiến” hay không? Và nếu tiếp cận khó khăn như vậy, có nên tiếp tục phục dựng lại hay không?
Vốn thân thuộc trong quá khứ, nhưng áo dài lại trở thành thứ tương đối “lạ mắt” trong cuộc sống hiện tại. May mắn thay, sau những gian nan trên chặng đường tìm lại tà áo dài, thứ trang phục “lạ mắt” ấy lại thu hút được sự quan tâm từ đông đảo người yêu di sản văn hóa. Thậm chí, nhờ ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ biểu diễn cũng đã có nhận thức đúng đắn khi lựa chọn trang phục truyền thống khi lên sân khấu.
Tiếp tục lan tỏa tà áo cha ông
Đặt mình dưới góc nhìn của khán giả thưởng thức nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhạc sĩ Trúc Đồng, CLB Quan họ Mười Nhớ (TP.HCM), cho rằng, áo dài truyền thống là một nét đẹp rất đáng để gìn giữ và phát triển cùng di sản âm nhạc. Bởi lẽ theo anh, sân khấu truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, định hướng khán giả về trang phục dân tộc. Muốn biết được một bộ trang phục dân tộc ra sao, hầu hết khán giả sẽ lấy thứ nghệ sĩ mặc làm chuẩn.
Khi chúng ta giới thiệu về nét đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam qua lời ca, tiếng hát, tính nhận diện bản sắc trong trang phục nói lên rất nhiều điều. Trong đó, có một điều quan trọng hơn cả: chúng ta là người Việt Nam. Khi đó, áo dài không còn đơn thuần là trang phục đặc thù cho sân khấu nữa, mà trở thành đại diện cho cả văn hóa văn hóa dân tộc.
Sinh thời, giáo sư Trần Văn Khê đã từng chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng, khi giới thiệu một bộ môn nghệ thuật, ngoại hình phải đi đôi với nội dung. Áo dài là hình thức, tiếng đờn là nội dung. Nếu bạn tặng một bó hoa hồng thật đẹp mà gói trong một tờ nhật trình cũ thì có phải là không bằng gói hoa bằng một tờ giấy hoa có cột băng màu?… Vì vậy, tôi muốn khi giới thiệu âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam cũng phải có cả hình thức”. Đây cũng là câu nói mà Trúc Đồng tâm đắc.
Không chỉ trong nghệ thuật dân gian, mà ngày càng có nhiều sản phẩm âm nhạc thị trường cũng lồng ghép khéo léo hình ảnh áo dài ngũ thân. Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Minh Khôi, trường hợp thành công có thể kể đến MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy. Sản phẩm đã tạo nên “cơn sốt” tìm đến những địa điểm gắn với cuộc tình của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, cùng với trào lưu chụp ảnh với cổ phục Việt tại các di tích ở Huế.
Dẫu vậy, anh Khôi nhận thấy, ngành giải trí ở nước ta vẫn đang dừng lại ở việc đưa dạng thức trang phục chuẩn mực vào trong các sản phẩm nghệ thuật. Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức độ cách tân gây tiếng vang như những gì thị trường Hàn Quốc đang làm với những sản phẩm âm nhạc của mình. Dẫu sao, cũng cần có thêm thời gian. Bởi chúng ta đang ở những bước đầu tiên trong việc dần “chuẩn hóa” các tạo hình lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống, sau một thời gian rất dài lạc lối vì đứt gãy văn hóa.
Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cá nhân anh Trúc Đồng cũng rất ủng hộ áo ngũ thân nói riêng và những trang phục truyền thống nói chung luôn khuyến khích sự cải biên. Song, bất kỳ sự cải biên nào cũng không nên làm cho chiếc áo mất đi bản sắc vốn có. Đó là bản sắc mà không ít nhà nghiên cứu đã dày công tìm lại trong suốt một thập niên qua.
Đó mới chỉ là một vài trong những nội dung được các tác giả đề cập tới qua ấn phẩm với hơn 50 bài viết, mang tên Áo dài truyền thống: Hành trình trở lại.
Cuốn sách Áo dài truyền thống: Hành trình trở lại được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 280 năm chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế áo ngũ thân (1744 – 2024), cũng nhằm ghi dấu 10 năm hoạt động của CLB Đình làng Việt (2014 – 2024).