Ngày 24/7, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ở Hà Nội xảy ra mưa trên diện rộng.
Tổng lượng mưa đo được vào lúc 6 giờ tại một số khu vực như sau: Hoàn Kiếm 167,6 mm; Hoàng Mai 266,3 mm; Ba Đình 159,1 mm; Cầu Giấy 161,3 mm; Hai Bà Trưng 190,4 mm; Tây Hồ 138 mm; Đống Đa 151,1 m; Nam Từ Liêm 212,2 mm; Thanh Xuân 202,4 mm; Hà Đông 295,8 mm…
Đáng chú ý, tại một số huyện ngoại thành có lượng mưa rất lớn. Trong đó, Quốc Oai 274,1 mm; Đông Anh 215,7 mm; Thanh Oai 256,4 mm; Thanh Trì 222,5 mm; Ứng Hoà 205,1 mm… Do lượng mưa lớn, mưa lại kéo dài nên nước chưa kịp tiêu thoát, dẫn đến ngập úng cục bộ tại một số nơi như Quốc lộ 6 đoạn qua xã Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) ngập hơn 50cm… khiến giao thông và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở xã Đông Xuân (Quốc Oai, Hà Nội) những ngày qua có mưa kéo dài, lượng nước từ các nơi đổ về rất lớn đã khiến một người đàn ông bị lũ cuốn dẫn đến tử vong khi đi qua suối.
Mực nước sông dâng cao đã gây ra những điểm úng ngập tại các tuyến đường ở quận Long Biên như: Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Ngọc Lâm, Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều trung bình 20-25cm, Hoàng Như Tiếp ngập 10cm. Tại quận Cầu Giấy, các tuyến đường Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ ngập sâu 40cm-50cm. Ở quận Thanh Xuân, phố Triều Khúc ngập sâu khoảng 15cm. Còn tại quận Hà Đông, khu vực Phùng Hưng (Yên Xá) ngập 20-25cm; khu vực bến xe Yên Nghĩa, đường Quyết Thắng ngập trung bình 20-25cm; các hầm chui và đường gom Đại lộ Thăng Long ngập trung bình 15-20cm,…
Bên cạnh đó, tuyến đường 70, đoạn qua đường Phương Canh, Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng bị ngập sâu kéo dài. Đặc biệt, tại Khu đô thị Nam An Khánh gần đại lộ Thăng Long, đường nội bộ khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn song song với trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài cũng ngập trong “biển” nước.
Ở các điểm ngập úng nêu trên, việc di chuyển, đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí xuất hiện các điểm ùn tắc kéo dài. Ngoài ra, do mặt đường trơn nên đã xảy ra va chạm giao thông, đơn cử như trên đường Võ Chí Công xảy ra va chạm giữa các phương tiện di chuyển cùng chiều đường.
Mặc khác, tại các tuyến đường có điểm ngập úng sâu, việc sinh hoạt, kinh doanh của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Một số cửa hàng đã đóng cửa do sợ nước tràn vào nhà, tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh.
Để đảm bảo thoát nước, tại thời điểm xảy ra mưa bão, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đống Đa; vận hành trạm bơm đầu mối Yên Sở (vận hành 20/20 tổ máy, 90m3/s), Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống theo đúng quy định. Đồng thời, Công ty cũng triển khai ứng trực, giải quyết thoát nước, vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý.
Theo nhận định của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ, dự báo trong những giờ tới ở Hà Nội vẫn tiếp tục có mưa rải rác. Các lực lượng, phương tiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn ứng trực, tập trung vệ sinh, kiểm tra thanh thải, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, vận hành các cửa phai, trạm bơm nhằm hạ mực nước trên toàn bộ hệ thống, sẵn sàng đón mưa.