Khối nhà ấy nhìn thật lạnh lẽo, kể cả khi đây là đầu tháng Bảy, khi mùa Hè đang rực rỡ nhất, với trời Berlin xanh thăm thẳm và đẹp vô cùng. Người ta bảo rằng, nhiều năm trước, trong Thế chiến II, nơi đây còn lạnh và tạo ra cảm giác chết chóc hơn. Đó là “Benderblock”, một dãy nhà thuộc Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Đức quốc xã.
Tôi đến đây vào một chiều tháng Bảy, khi chỉ còn hơn một tuần nữa là ở đây sẽ diễn ra một lễ kỉ niệm nhân 80 năm sự kiện 20/7/1944, khi những người đứng đầu của cuộc ám sát hụt Adolf Hitler thất bại bị xử bắn ở đây trong đêm hôm ấy. Trong số 4 người bị bắn đầu tiên trước đội hành quyết là đại tá bá tước Claus Schenk Graf von Stauffenberg, người làm việc chính trong toà nhà này. Con đường mang tên ông (Stauffenbergstrasse) chạy trước Bendlerblock và đi qua cổng tới khu vườn, nơi ông và các đồng chí của ông bị xử bắn, nơi giờ có một đài tưởng niệm Phong trào kháng chiến Đức chống chế độ quốc xã trong Thế chiến II.
Stauffenberg, người hùng của tôi
Trong phim “Valkirye” (2008), Tom Cruise đóng vai người sĩ quan có lí tưởng tiêu diệt trùm phát xít Hitler để kết thúc chiến tranh trước khi sự tàn phá khủng khiếp của các cuộc giao tranh sẽ lan rộng trên nước Đức như sau đó sẽ thấy. Đó là một bộ phim mà theo các nhà sử học, thể hiện đúng sự thật của lịch sử. Và dù diễn viên người Mỹ được chọn vì có nét mặt giống Stauffenberg, nhưng bị nhiều người Đức, trong đó có cả những người con còn sống của bá tước Stauffenberg phản đối vì Cruise là người thuộc “Scientology” (Khoa luận giáo), một giáo phái bị chỉ trích ở Đức, thì đó vẫn là bộ phim đáng xem và giúp thế giới hiểu thêm về một nước Đức trong lòng nước Đức thời Thế chiến II.
Có một nước Đức như thế, với những người sinh viên, trí thức, binh lính và sĩ quan yêu nước Đức, cả những người đã đi theo chủ nghĩa quốc xã như Stauffenberg nhưng sau đó nhận ra điều tất yếu của việc khởi phát thế chiến chính là tội ác chống nhân loại, dẫn đến sự kết thúc không tránh khỏi của chính nước Đức. Trong những năm tháng còn trước khi những phát súng đầu tiên nổ ra ở biên giới Ba Lan tháng 9/1939, những sĩ quan cấp cao của quân đội Đức, với những cái tên như Thống chế Erwin von Witzleben, các tướng như Hans Oster, Henning von Tresckow, Friedrich Olbricht hay chính trị gia Carl Friedrich Goerderler đã muốn loại bỏ Hitler khỏi mặt đất này. Những kế hoạch ám sát Hitler đầu tiên đã được hình thành chính trong toà nhà Benderblock này, nơi Stauffenberg làm việc từ năm 1943 trong vai trò của một sĩ quan cấp cao của Bộ chỉ huy quân dự bị, tại các văn phòng của Abwer, Cục tình báo đối ngoại của Đức. Nhưng vì nhiều lí do, từ bất đồng quan điểm, thiếu thống nhất trong cách hành động, cả sự hèn nhát của những người đứng đầu âm mưu mà chỉ khi Thế chiến II đã đi vào giai đoạn cuối, Đức chuẩn bị bị xâm lăng từ nhiều phía, họ mới có thể hành động được, và cũng chỉ Stauffenberg là người có thể làm được điều đó, bằng sự quyết tâm và dũng cảm với một kế hoạch đặt bom ám sát Hitler tại tổng hành dinh của hắn ở Đông Phổ. Họ phải ngăn chặn Hitler lại bằng một âm mưu ám sát để lật đổ chế độ quốc xã và rồi thay thế bằng chính phủ của những người âm mưu, sau đó họ sẽ thương lượng với Đồng minh nhằm kết thúc chiến tranh. Đó là những người yêu nước thực sự. Họ không muốn chiến tranh tàn phá nước Đức thân yêu của họ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quả bom ngày 20/7/1944 ấy giết chết Hitler, thay vì một sĩ quan thấy chiếc cặp đựng bom ấy mà Stauffenberg để lại trong đại bản doanh Hang sói của trùm phát xít vướng vào chân mình và rồi đặt nó ra chỗ khác, do đó làm giảm sức công phá của nó? Điều gì sẽ xảy ra nếu những người âm mưu phối hợp với nhau tốt nhất vào ngày định mệnh ấy, kể cả khi biết Hitler không chết? Lịch sử chắc chắn sẽ thay đổi, thế giới cũng sẽ đi theo một ngả khác và họ đã không ngã xuống ở Bendlerblock trong một đêm buồn thảm. Rất nhiều người, hàng nghìn người khác đã bị đưa xét xử và xử bắn hoặc treo cổ trong thời gian sau đó, trong đó có cả Thống chế Erwin Rommel, một người được chính Hitler yêu mến, được chọn cách khác hơn để ra đi trong danh dự, một phát súng tự kết liễu mình.
Tôi đã từng có suy nghĩ về nước Đức trong Thế chiến II là một đế chế phát xít bạo tàn, cho đến khi bắt đầu đọc các tác phẩm của Erich Maria Remarque để hiểu rằng, có một nước Đức khác trong nước Đức đem tai hoạ đến cho các dân tộc khác ấy. Họ cũng ghét chiến tranh, cũng yêu thương con người, những người lính cũng về nhà và cưới một cô gái và rồi cùng mơ mộng chiến tranh nhanh kết thúc để trở về. Cuốn sách “German War: A nation under arms, 1939-1945” của sử gia Nicolas Stargardt lại cung cấp kĩ hơn nữa những gì diễn ra bên trong nước Đức những năm ấy. Đấy là những bức thư của gia đình những người lính gửi cho con em họ ngoài mặt trận và thư của họ từ đó gửi về. Họ cũng là con người, biết yêu thương, sợ hãi, cũng mưu cầu hạnh phúc, cũng ghét chiến tranh, cũng mong trở về và cũng ân hận vì đã đi theo một tư tưởng chết chóc của một nhà lãnh đạo.
Nhớ chiến tranh để yêu hoà bình
Đài tưởng niệm được dựng lên vào năm 1953, đúng kỉ niệm 7 năm ngày Stauffenberg và các đồng chí của ông bị bắn. Khu vườn từ đó trở thành nơi tưởng niệm cho một nước Đức khác trong lòng nước Đức phát xít. Đó là nước Đức của lương tri và chống bạo tàn. Bendlerblock giờ trở thành trung tâm về phong trào kháng chiến chống phát xít, cung cấp nhiều tài liệu và thông tin về các nhân vật, các hoạt động chống chế độ Hitler.
Năm sau là tròn 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II, cuộc thế chiến đến bây giờ vẫn được coi là đem đến nhiều chết chóc nhất cho nhân loại. Nước Đức bây giờ đã khác, và trong những năm tháng kể từ đó đã trở thành một quốc gia có trách nhiệm hơn với một thế giới hậu Thế chiến II và hậu Chiến tranh Lạnh chất chứa hàng bao nhiêu ngòi nổ cho những cuộc chiến khác. Nước Đức cũng rất nhạy cảm với những vấn đề của cuộc đại chiến do họ gây ra ấy. Chưa ai quên cái quỳ gối của Thủ tướng Willy Brandt ở Warsaw vào năm 1972, một hành động dần góp phần hàn gắn quan hệ Đức-Ba Lan, đất nước bị xâm chiếm đầu tiên, mở đầu cho đại chiến. Thế giới cũng ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc phi phát xít hoá sau đại chiến, và ngăn chặn sự ngóc đầu dậy của các lực lượng phát xít mới. Có điều, sự lo ngại vẫn tồn tại, nhất là khi đảng cực hữu chống người nhập cư AfD đang giành nhiều phiếu, đặc biệt là từ các cử tri trẻ, một cảnh báo nghiêm trọng và rõ ràng vào một thực tế chính trị ở đây. Chủ nghĩa phát xít khó sống lại trong thời đại này để tạo ra một cuộc thế chiến huỷ diệt nhân loại nữa, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nếu nó không bị kìm hãm, không có những bộ phim về thế chiến II, những nhân vật như đại tá Stauffenberg không được tái hiện trên điện ảnh, người ta sẽ quên đi là đã từng có những kẻ bạo tàn như thế sống trên mảnh đất này.
… Tôi đứng lặng ở khoảng sân nhỏ của Bendlerblock chỉ có một tượng đài. Nó tượng trưng cho hàng biết bao người Đức chống phát xít đã ngã xuống. Hàng nghìn người trực tiếp và gián tiếp tham gia cuộc binh biến nhằm lật đổ Hitler tháng 7/1944 đã bị chế độ quốc xã trả thù tàn bạo. Hàng vạn người Đức khác bị tù đày và xét xử khi các phong trào của họ bị đàn áp. Họ thất bại, nhưng những gì họ đã làm và dự định sẽ làm mà không thành sẽ mãi mãi được nhân loại ghi nhớ.
Anh Ngọc (từ Berlin, Đức)