Tôi đọc một mạch 7 chương
Đây là chuyện đời của một người lính qua rèn luyện trở thành chính khách, có chức danh cao trong bộ máy nhà nước. Hồi ký vừa mở ra cho người đọc toàn cảnh chiến đấu, lao động của quần chúng nhân dân, vừa điểm xuyết những câu chuyện lần đầu công bố, tạo sức hấp dẫn của một tác phẩm phi hư cấu.
Trang sử thi hào hùng
Những sự từng trải, những điều tai nghe mắt thấy của tác giả, sau sàng lọc của thời gian đã trở thành những chứng cứ sinh động của công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập và thống nhất non sông để xây dựng đất nước. Nhiều trang hồi ký đã thành lịch sử, phần lớn là sử thi hào hùng, nhưng không tránh khỏi những bi thiết.
Hào hùng như 200 ngày bộ đội ta sống đẹp ở thị xã Cà Mau khi chuẩn bị tập kết ra Bắc. Các anh sống để tỏa sáng chí khí, chính nghĩa! Chỉ 200 ngày mà năm học của trẻ nít vẫn được duy trì, nhà máy đèn vẫn chạy dù đối phương cố tình phá hỏng, mỗi tối đều tổ chức ca múa rộn ràng. Và đặc biệt kết thúc 200 ngày ấy khi bước lên tàu “há mõm” của Pháp để ra tàu lớn Liên Xô chờ ngoài cửa biển, tập thể những anh bộ đội cụ Hồ biến thành một dàn hợp xướng, ca hát trước mũi súng quân thù:
“Bắt đầu hát tập thể, tất cả đứng dậy nắm tay nhau hát vừa cho có khí thế vừa giữ cho khỏi nghiêng ngả, bọn Tây tự nhiên như hoảng hốt, chúng la hét chạy rần rần trên boong. Chúng tôi vẫn hát. Chúng lôi súng ra dọa. Ồ bọn tao có làm gì đâu? Chỉ hát thôi mà. Chúng tôi vẫn hát” (trang 66).
Chỉ đến khi lính Tây xịt vòi rồng nước mặn, dàn hợp xướng mới cử người đàm phán, để chương trình văn nghệ tiếp tục, chất lượng hơn, lôi cuốn hơn, “có đơn ca, thổi sáo. Vài anh Tây đen đứng trên boong tay cầm súng lắc lư theo nhịp hát…” (trang 66 ).
Hào hùng khi anh thanh niên tên đẹp Hồng Quân và đồng đội của mình phục hồi đường sắt Hà Nội – Nam Quan. Có khi phải “đứng chênh vênh trên một dầm thép chiều ngang chừng 30 – 40cm của nóc cầu mà quai búa tạ 5kg để tán rive, chỉ mất thăng bằng tí xíu thì có thể rơi xuống, dễ mất mạng […] có khi phải “moi các cống bị vùi lấp hai đầu… chứa nhiều khí mê-tan có thể cháy nổ nếu gặp lửa… (trang 72, 73).
Theo dòng sử thi kia, có hòa bình rồi nhưng ở Thanh Hóa đồng bào không đủ gạo ăn, đồng bào đói, bộ đội bí mật chia suất cơm với chủ nhà. Sau 1975, đời sống vẫn chưa ấm no. Đất trong sân trường Đại học Bách khoa TP.HCM được cuốc lên trồng rau, ông hiệu trưởng Trần Hồng Quân nuôi cá trê phi ngay trên sàn nhà mình (trang 114), các giáo sư lên Sông Bé mở nông trại trồng khoai mì (trang 112, 113).
Chất thơ tự nhiên, chất kịch căng thẳng
Thử đọc trang 73, một trần thuật về trận lũ kinh hồn trên biên giới phía Bắc năm 1955: “Hôm ấy một chú mèo khá lớn ngồi trên nóc nhà trôi. Thấy người nó kêu meo meo, chừng như cầu cứu, rất thương, nhưng không làm gì được. Tôi hy vọng khi ngôi nhà trôi qua cầu nó nhảy lên bám các thanh sắt dưới cầu, nhưng không. Ngôi nhà trôi qua nó vẫn ngồi đó rồi khuất vào khúc quanh con sông…”.
Người viết bắt được chi tiết sống động – con mèo – với cả hình dạng và thanh âm. Từ chi tiết thật chuyển nhanh sang ấn tượng ảo, con mèo cầu cứu con người. Tới đây tường thuật chuyển sang trữ tình ngoại đề, anh thợ cầu 2 lần âu yếm gọi con mèo là “em”. Rồi gửi theo lời chia tay, biến mấy dòng văn xuôi thành bài thơ cảm động!
Không hiếm những bài thơ như thế. Ở trang 227: “… đêm nằm ở Thảo Điền nghe tiếng ếch kêu đã thưa thớt nhiều và đến khi chỉ nghe tiếng gọi tình nhân cô độc trong đêm khuya mà không bao giờ nghe tiếng đáp. Rồi mùa mưa các năm sau không bao giờ nghe tiếng ếch kêu. Tôi thấy Thảo Điền mất đi cái gì đó. Tôi vốn thích “đồng cỏ” này, nhưng nay đồng cỏ thành nền xi măng cả rồi. Biết làm sao”.
Viết được những dòng này, Trần Hồng Quân đã xếp được sách của mình vào danh mục những áng văn rung động lòng người về nỗi: “Thế gian biến cải vũng nên đồi”, để rồi cùng bạn đọc “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
Bên những bài thơ trữ tình như thế là không ít những hồi kịch căng thẳng. Căng thẳng tới ác liệt, căng thẳng tới phũ phàng.
Là một kỹ sư chế tạo máy có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, nhưng Trần Hồng Quân còn biết chằm nón, vẽ tranh, tự phổ nhạc thơ mình… Ai đọc kỹ sách này sẽ thấy tác giả luôn trân trọng nữ giới và nhiều lần dùng bút lực của mình để ngợi ca vẻ đẹp của họ. Ông cũng không thiếu sự dí dỏm trong nhiều trang sách.
GS-TS Trần Hồng Quân từng là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…