Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận kết quả không tốt vừa rồi của 2 đội tuyển U16 và U19 Việt Nam đã giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về bức tranh đào tạo bóng đá trẻ nước nhà.
“Sẽ thấy thành công trong giai đoạn 2018-2022, bóng đá Việt Nam có được một HLV phù hợp cộng với lứa cầu thủ “vừa ngoan vừa giỏi”. Đây cũng là giai đoạn mà các trung tâm đều đào tạo khá ổn, tạo ra ồ ạt nhân tài. Một thế hệ tốt cùng một HLV phù hợp đã giúp bóng đá Việt Nam tạo nên lịch sử. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta ngộ nhận sức mạnh của mình, để rồi khi hạn chế đã bộc lộ ra thì giờ phải có tư duy mới, cách làm mang tính đột phá. Những hạn chế này thuộc về những yếu tố nền tảng như cơ sở vật chất, mô hình quản lý, hệ thống tổ chức thi đấu, lực lượng HLV đào tạo trẻ thiếu và yếu, đào tạo trẻ theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu tính hệ thống.
Theo tôi, một nền bóng đá phát triển mạnh, bền vững cần nhiều yếu tố nhưng gốc rễ vẫn là đào tạo bóng đá trẻ. Nếu cái gốc không vững, nền tảng không căn cơ, không mạnh, thành công chỉ mang tính may rủi, thời điểm”.
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, bóng đá trẻ Việt Nam xuống dốc là bởi thiếu đầu tư, cũng như thiếu một quy trình đào tạo chuẩn mực: “Không phủ nhận đào tạo trẻ ở ta đã có những chuyển biến nhất định nhưng chừng đó chưa đủ. Có nghĩa, công tác đào tạo trẻ đã tốt lên, nhưng vẫn còn nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm, nặng về bệnh thành tích. Công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam chưa có một hệ thống xuyên suốt, chưa có kế hoạch đầu tư bài bản, dài hạn mà mới chỉ mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào sự “hên, xui”.
Hãy nhìn vào thực tế đào tạo cầu thủ ở Việt Nam, xem chúng ta đã có chiến lược thế nào? Bóng đá Việt Nam chạy theo bề nổi thành tích, nên đào tạo trẻ đôi khi bị cuốn theo cuộc chơi này. Lực lượng HLV đào tạo trẻ đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi.
Bóng đá là môn thể thao tổng hợp của nhiều yếu tố. Chúng ta ứng dụng vào Việt Nam phải có nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, theo dõi, đưa giáo án ra cho cầu thủ thực hiện xem có hiệu quả không,… rồi mới biết phương pháp đúng hay sai.
Với quãng trầm cũng như những “đứt gãy” hiện nay, Bóng đá Việt Nam phải tái cấu trúc nền tảng, xác lập lại mô hình phát triển bóng đá ở cả khía cạnh chuyên nghiệp lẫn phong trào. Ở khâu đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam cần quy tụ nguồn lực xã hội, có thêm sự chung tay từ doanh nghiệp để nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất và nguồn lực quản lý. Có nhân sự điều hành và làm chuyên môn giỏi thì cầu thủ mới giỏi được”.