1. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có V-League là giải đấu có thể sắp xếp lịch thi đấu cụ thể. Còn lại, giải hạng Nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia 2024/25 vẫn chưa thực hiện được điều tương tự. Sân chơi hạng Nhất trở nên rối ren hơn cả vì CLB Đồng Nai đã chính thức xin không tham gia giải năm nay.
Trước đó, không phải Đồng Nai mà Bà Rịa-Vũng Tàu, Định Hướng Phú Nhuận, Long An mới là các CLB bị điểm mặt chỉ tên về việc có thể bỏ giải hạng Nhất mùa này. Cả ba đội bóng đều gặp vấn đề về kinh phí hoạt động và bỏ ngỏ khả năng tham gia sân sau V-League 2024/25.
Đến ngày 10/8, tới lượt Khánh Hoà nhận tin dữ vì bị FIFA ra án phạt 26 nghìn USD vì vi phạm hợp đồng với ngoại binh Mamadou Guirassy ở mùa giải 2023/24. Khánh Hoà là CLB duy nhất ở V-League mùa qua phải nhận vé xuống hạng, nguyên nhân chính yếu vẫn là tài chính thua thiệt phần còn lại.
Đến khi xuống chơi hạng Nhất, CLB này vẫn chưa yên với án phạt vừa qua của FIFA. Nhiều CĐV đang đồn đoán về khả năng tồn tại tiếp tục của Khánh Hoà. Không loại trừ khả năng đội bóng của HLV Trần Trọng Bình “nghỉ chơi” luôn ở giải hạng Nhất 2024/25 để khỏi phải trả nợ cho Mamadou Guirassy. Nếu điều này xảy ra, thực sự giới chuyên môn cũng không biết nói gì hơn
Từ 12 CLB tưởng chừng đã sẵn sàng cho mùa giải mới, giải hạng Nhất 2024/25 chỉ còn 7 cái tên chắc chắn tranh tài. Ban tổ chức giải chuyên nghiệp Việt Nam cũng rất đau đầu và phải chờ đợi động thái của các CLB như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Định Hướng Phú Nhuận, Long An, Khánh Hoà. Chơi tiếp hay dừng lại (?), đó là câu hỏi khó đối với không ít CLB hạng Nhất tới lúc này.
Tuy nhiên, một thực tế được ghi nhận trước mùa giải hạng Nhất 2024/25 là sự quyết liệt chắc chắn sẽ có thừa so với các năm đã qua. Dù chỉ có 1,5 suất lên hạng, nhưng nó sẽ chứng kiến cuộc ganh đua căng thẳng của các CLB như PVF CAND, Trường Tươi Bình Phước và đặc biệt là Trẻ TP.HCM. Ba CLB này được nhận định là những đội mang tham vọng lên chuyên rõ ràng nhất. Nếu PVF CAND là lò đào tạo có truyền thống, song luôn hụt bước mục tiêu này vài năm qua, thì Trường Tươi Bình Phước và Trẻ TP.HCM là hai CLB có sự đầu tư lớn để quyết tâm lên V-League.
Trong đó, CLB Trẻ TP.HCM đưa về hàng loạt ngôi sao V-League như Đinh Thanh Bình, Nguyễn Đức Việt, Lê Minh Bình (HAGL), Đỗ Văn Thuận, Lê Ngọc Bảo, Đỗ Thanh Thịnh, Phạm Văn Thành, Trịnh Đức Lợi (Bình Định), Trần Ngọc Sơn (Nam Định), Phạm Gia Hưng, La Nguyễn Bảo Trung (CAHN)… HLV Nguyễn Việt Thắng có thể còn có Hoàng Đức (Thể Công Viettel) và có tin, GĐKT Trần Tiến Đại sẽ trở lại phương Nam để giúp sức đưa CLB này lên hạng.
Trường Tươi Bình Phước cũng đưa về những cái tên kỳ cựu của V-League như: Tấn Sinh (CAHN), Ngọc Đức (CLB TP.HCM), Sỹ Giáp (B.Bình Dương)… để tranh chấp vé lên chuyên.
2. So với giải hạng Nhất, các CLB ở V-League không lao đao nhiều về tài chính, nhưng cuộc đua danh hiệu cũng chỉ gói gọn trong vài ứng viên. Thanh Hoá là CLB chịu nhiều điều tiếng nhất ở giai đoạn chuẩn bị cho mùa bóng mới khi không thể dự AFC Cup, vừa bị “tố” nợ lương, thưởng.
Lãnh đạo CLB Thanh Hoá phải kêu gọi lãnh đạo địa phương cùng chung tay giúp đỡ đội bóng quê hương. Ở mùa bóng 2024/25, Thanh Hoá hứa hẹn sẽ không dễ thở khi phải cùng lúc dự 2 giải quốc nội và giải CLB Đông Nam Á. HLV Velizar Popov cũng chưa được cấp kinh phí để sắm sửa thêm nội cũng như ngoại binh chất lượng cho CLB.
Nhà đương kim vô địch Cúp Quốc gia hứa hẹn sẽ chỉ chơi bằng tinh thần quyết tâm cao để bù lại thua thiệt về tài chính, con người. Đây cũng là điểm chung của đa số CLB ở V-League, những đội bóng chỉ có mục tiêu trụ hạng như HAGL, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SLNA, Quảng Nam, CLB TP.HCM, Bình Định, SHB Đà Nẵng, Hải Phòng.
Trừ tân binh SHB Đà Nẵng đã vội vã chuẩn bị cho mùa giải mới với 3 ngoại binh, tất cả những CLB vừa kể đều chưa thể chốt vấn đề này. Nhóm 5 đội bóng còn lại được “điểm danh” sẽ tranh chấp danh hiệu mùa tới sẽ là Nam Định, CAHN, Hà Nội FC, Thể Công Viettel và B.Bình Dương. Điểm chung của các CLB này là không chịu áp lực về tài chính và duy trì sự ổn định trong đội hình.
CAHN thậm chí mua sắm rầm rộ để quyết tâm trở lại vị thế thống trị V-League. Tuy nhiên, những CLB có truyền thống như Hà Nội FC, B.Bình Dương hay Thể Công Viettel không thể mãi xếp dưới cái bóng của CAHN hay Nam Định.
Nhiều CĐV không khỏi phiền lòng vì mô hình tháp ngược của bóng đá Việt Nam vẫn luôn phải duy trì từ nhiều năm qua. Khi V-League nhiều đội chơi hơn giải hạng Nhất, tình hình mất cân bằng luôn là điều người làm bóng đá nước nhà phải đối diện.
Tóm lại